Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam; Anh hùng giải phóng dân tộc; danh nhân văn hoá kiệt xuất; Người tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam; là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức của người cách mạng. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người gắn liền với những chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX; tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người mãi mãi là kim chỉ nam cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học tập, noi theo.
Những nơi Người đã từng sống và làm việc dù ở Việt Nam hay ở nhiều nơi trên thế giới, nay trở thành địa danh lịch sử - văn hoá để giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông (Khu Di tích K9) là địa danh lịch sử - văn hoá như vậy. Nơi đây, từ năm 1957, Bác đã chọn để xây dựng làm căn cứ của Trung ương. Từ năm 1960 - 1969, Người cùng với các đồng chí trong Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đã bàn và quyết định những vấn đề hệ trọng trong giai đoạn quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Người đã tiếp những người bạn, người đồng chí từ Trung Quốc và Liên Xô đến thăm Việt Nam.
Sau khi Người qua đời, nơi đây được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chọn làm nơi chủ yếu để giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước ác liệt (1969-1975).
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, cũng là thời điểm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị được khánh thành. Ngày 18/7/1975, đón Bác về yên nghỉ trong ngôi nhà vĩnh hằng của Người tại Ba Đình lịch sử. Khu Di tích K9 trở thành Khu căn cứ dự phòng và là nơi đón tiếp các đoàn đại biểu trong nước đến tham quan, giáo dục truyền thống.
Hiện nay, thực hiện Đề án 2341 và Nghị quyết 122 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới” và Kết luận 328 của Bộ Chính trị về “Mở rộng tham quan Khu Di tích K9 để góp phần giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng của dân tộc”. Khu Di tích K9 thường xuyên được bảo quản, giữ gìn, tôn tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công tác tuyên truyền, đón tiếp đồng bào, khách quốc tế đến tham quan, góp phần đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
KHÁI QUÁT VỀ KHU DI TÍCH K9
Khu Di tích K9 cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 70 km về phía Tây; nằm trong quần thể dãy núi Ba Vì, có độ cao trung bình từ 40 - 50 mét, riêng đỉnh núi U Rồng cao hơn 130 mét. Phía Bắc giáp xã Thuần Mỹ, phía Nam giáp xã Minh Quang, phía Đông giáp xã Ba Trại, thuộc huyện Ba Vì; phía Tây bao bọc bởi sông Đà, bên kia sông là xã Đồng Luận, huyện Thanh Thuỷ, Phú Thọ. Nơi đây phong cảnh “Sơn thuỷ hữu tình”, nằm ven sông Đà cuộn chảy, từ đỉnh núi U Rồng có thể phóng tầm nhìn tới thị xã Sơn Tây, Hà Nội và 2 tỉnh Hoà Bình, Phú Thọ.
Diện tích khu vực K9 rộng 234 ha, phần lớn là đồi rừng, có 2 hồ lớn rộng 16,5 ha. Nơi đây có rất nhiều những tảng đá thon nhọn, tựa những mũi chông, ngọn mác mọc từ dưới đất lên, vì thế mà nhân dân địa phương gọi địa danh này là Đá Chông.
Khu Di tích K9 được chia làm 4 khu: A, B, C, D. Khu A gồm những công trình được xây dựng phục vụ Bác Hồ, Trung ương làm việc từ năm 1960 - 1969 và giữ gìn thi hài Bác trong những năm chiến tranh 1969 - 1975. Thời gian gần đây đơn vị đã triển khai xây dựng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số công trình phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, thể thao cho bộ đội, phòng chống cháy rừng. Các khu B, C, D mới được xây dựng những năm gần đây phục vụ công tác quản lý địa bàn, huấn luyện bộ đội, bảo vệ khu vực và tăng gia sản xuất.
Giao thông ở khu vực K9 thuận lợi cả về đường bộ, đường thuỷ và đường không: Đường bộ đi theo Tỉnh lộ 87 xuôi thị xã Sơn Tây về trung tâm Thủ đô; đường thuỷ xuôi sông Đà về Hà Nội, hoặc khi cần thiết có thể qua sông Đà sang Phú Thọ lên Tây Bắc; đường không, ngay sát chân núi U Rồng có một bãi đất phẳng tự nhiên, máy bay trực thăng có thể cất cánh, hạ cánh thuận lợi.
Trong thời kỳ Pháp thuộc (từ năm 1938 - 1942), nơi đây là đồn điền Satupô do một Kỹ sư canh nông người Pháp cai quản để trồng thông và khai thác quặng. Ngày nay, khu vực này còn giữ được nhiều đồi thông có độ tuổi gần 100 năm, xen kẽ với những cây gỗ cao, tán rộng như: Long não, Sau sau, Trám… tạo thành những vạt rừng rậm rạp.
Ngày 02 tháng 11 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1649/QĐ-TTg “Về việc thành lập Khu rừng bảo vệ cảnh quan đặc biệt Di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội”, gọi tắt là Khu rừng K9, nằm trong hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.
K9 LÀ CĂN CỨ CỦA TRUNG ƯƠNG
Những năm 1946 - 1954 nơi đây là khu căn cứ kháng chiến “Ba Vì” của tỉnh Sơn Tây (cũ). Cuối năm 1956, đầu năm 1957, Ty Công an Sơn Tây được Tỉnh uỷ Sơn Tây giao nhiệm vụ giúp Trung ương tìm chọn một địa điểm có rừng, có núi, gần sông, tiện đường giao thông để làm khu căn cứ. Địa danh Đá Chông đã hội tụ đủ các yếu tố đó nên được Tỉnh uỷ Sơn Tây lựa chọn để báo cáo với Trung ương, với Bác Hồ.
Tháng 5 năm 1957, trong một lần đi kiểm tra Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 tập mẫu chiến thuật "Trung đoàn bộ binh tăng cường tiến công quân địch phòng ngự có chuẩn bị", Bác đã dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa trên đồi, nơi có 3 mỏm đá nhọn như hình mũi chông, ngọn mác xếp liền kề nhau. Thấy địa thế nơi đây hiểm trở, phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ, Bác đã trao đổi với các đồng chí cùng đi, ngỏ ý chọn vị trí này làm nơi nghỉ ngơi và làm việc của Bác và Trung ương.
Sáng ngày 23 tháng 2 năm 1958, Bác Hồ lên thăm và xem xét lại địa bàn khu vực Đá Chông và quyết định chọn nơi đây để xây dựng làm căn cứ của Trung ương. Cùng đi với Bác có đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Ủy viên Trung ương Đảng và một số đồng chí của Chủ tịch phủ và lãnh đạo tỉnh Sơn Tây.
Sau chuyến đi của Bác, Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam được lệnh xây dựng một số ngôi nhà cấp bốn trong khu vực Đá Chông.
Bước sang năm 1959, trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc của đế quốc Mỹ, Cục Doanh trại, Tổng cục Hậu cần được lệnh tiếp tục lên xây dựng Khu căn cứ của Trung ương (Công trường 5, ký hiệu KV), Bộ đội Công binh xây dựng một hệ thống công sự kiên cố. Công trình được chuẩn bị từ tháng 6 năm 1959, đến tháng 9 năm 1959 tiến hành khởi công xây dựng. Theo gợi ý của Bác, khu căn cứ của Trung ương chia làm 3 khu vực: Khu A dành cho Bộ Chính trị họp và tiếp khách; khu B dành cho các đồng chí Trung ương nghỉ; khu C dành cho các đồng chí bảo vệ và phục vụ.
Quá trình thi công, Bác Hồ đã lên thăm và kiểm tra nhiều lần:
- Ngày 20 tháng 6 năm 1959, nhân dịp đi thăm và nói chuyện với hơn 2000 đồng bào huyện Quốc Oai đang làm việc trên công trường đê Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, Bác Hồ đã lên xem xét tình hình thi công, xây dựng Công trường 5.
- Sáng ngày 28 tháng 01 năm 1960 (tức ngày mồng Một Tết năm Canh Tý), Bác Hồ lên Đá Chông thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ bảo vệ và công nhân trên công trường. Biết một số anh em công nhân là người miền Nam rất nhớ nhà, Bác căn dặn: Các cô, các chú nhớ miền Nam thì phải làm việc bằng hai để góp phần xây dựng miền Bắc tiến lên CNXH, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
- Ngày 15 tháng 3 năm 1960 ngôi nhà 2 tầng hoàn thành, Bác Hồ đã đi bằng máy bay trực thăng lên dự buổi khánh thành.
Sau khi xây dựng xong, toàn bộ khu vực được giao cho Văn phòng Chủ tịch phủ quản lý và lực lượng bảo vệ là cán bộ, chiến sĩ Đoàn Tân Trào (Công an nhân dân vũ trang). Công trường 5 được đổi tên là K9.
- Đầu tháng 3 năm 1961, Bác Hồ cùng đồng chí Hà Vỹ, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam lên thăm Đá Chông, chuẩn bị đón Đoàn đại biểu Phụ nữ Trung Quốc sang thăm và dự Đại hội Phụ nữ Việt Nam lần thứ III.
- Ngày 13 tháng 3 năm 1961, Bác Hồ đón tiếp bà Đặng Dĩnh Siêu, Phu nhân Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai dẫn đầu và đồng chí Hà Vỹ. Tại đây, bà Đặng Dĩnh Siêu đã trồng 2 cây ngọc lan và chụp ảnh lưu niệm. Buổi trưa hôm đó, Bác Hồ mời đoàn dùng cơm và nghỉ tại phòng khách ngôi nhà 2 tầng.
- Ngày 24 tháng 01 năm 1962 Bác Hồ cùng Đoàn cán bộ Quân đội Liên Xô, do Anh hùng phi công vũ trụ G.M Ti-tốp dẫn đầu đi bằng máy bay trực thăng lên thăm khu vực Đá Chông. Bác và Anh hùng G.M Ti-tốp trồng 2 cây vàng anh. Buổi trưa, Bác Hồ mời Đoàn dùng cơm và nghỉ tại nhà khách ở Đá Chông.
Sự kiện Bác Hồ tiếp hai vị khách quốc tế tại K9 có ý nghĩa rất lớn, đây là một cử chỉ rất thân tình của Bác đối với nhân dân Liên Xô và nhân dân Trung Quốc anh em. Hiện nay 2 cây vàng anh do Bác và Anh hùng G.M Ti-tốp trồng vẫn bốn mùa xanh lá, trổ hoa thơm ngát, tượng trưng cho tình bạn, tình đồng chí thuỷ chung của nhân dân Việt Nam với bạn bè quốc tế.
- Ngày 19 tháng 5 năm 1963, Bác Hồ lên Đá Chông làm việc và nghỉ. Anh em trong tổ bảo vệ và phục vụ tại đây chuẩn bị chúc mừng lần thứ 73, Ngày sinh của Bác thì sáng sớm đã thấy Bác xuống thăm nơi ở của anh em. Trong khi Bác đang nghỉ tại ngôi nhà 2 tầng, các đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đồng chí Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Chính phủ lên thăm. Bác cùng đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Phạm Văn Đồng ăn cơm trưa, trao đổi công việc.
- Ngày 20 tháng 9 năm 1964, Bác Hồ lên Đá Chông. Cùng đi có Thủ tướng Phạm Văn Đồng và một số đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị và Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị. Tại ngôi nhà 2 tầng, Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị trao đổi về tình hình quốc tế và trong nước từ sau “Sự kiện Vịnh Bắc bộ” ngày 5 tháng 8 năm 1964; bàn luận và quyết định một số vấn đề về công tác phòng không nhân dân.
Trong những lần lên làm việc tại Đá Chông, Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã đi thăm một số nơi trong khu vực: Bác đã tới xóm Đồi thăm gia đình cụ Cẩm; đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Phạm Văn Đồng đến thăm xóm Sung và thăm xã Đồng Luận, huyện Thanh Thuỷ, Phú Thọ; Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm xóm Đồi, xã Thuần Mỹ.
K9 LÀ NƠI CHỦ YẾU GIỮ GÌN THI HÀI BÁC GIAI ĐOẠN 1969 - 1975
Ngày 2 tháng 9 năm 1969, Hồ Chủ tịch qua đời. Thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Lăng của Người để các thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế được đến viếng Người. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã xây dựng Công trình 75A tại Quân y viện 108, Thủ đô Hà Nội để bảo vệ, giữ gìn thi hài Bác trước khi xây dựng Công trình Lăng.
Song từ cuối năm 1969, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết định. Đề phòng chiến tranh có thể xảy ra trên phạm vi cả nước, nhất là Thủ đô Hà Nội và một số thành phố, thị xã, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định tìm một vị trí thật yên tĩnh, bí mật, xa Hà Nội, thuận tiện cho di chuyển thi hài Bác nếu chiến tranh lan rộng. Đá Chông đã được quyết định chọn là nơi giữ gìn thi hài Bác.
Theo Thiếu tướng Trần Kinh Chi, nguyên Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh của Quân ủy Trung ương: Sở dĩ Đá Chông được chọn vì nằm trong dải rừng nối liền với núi Ba Vì. Từ trên cao nhìn xuống, các công trình ở đây nằm trong một vệt rừng và cũng không có những đặc điểm địa hình khác biệt, dễ bị chú ý, nên có nhiều thuận lợi trong việc giữ bí mật. Đá Chông không quá xa Thủ đô Hà Nội, di chuyển thi hài Bác tương đối thuận lợi, lại nối liền với các khu vực có địa hình rừng núi an toàn, có thể cơ động trong những tình huống đặc biệt và có một điều không được nói lên thành lời, nhưng trong tâm thức ai cũng biết: Nơi đây lúc sinh thời, Bác Hồ đã chọn là nơi làm việc của Trung ương Đảng.
Ngày 10 tháng 9 năm 1969, một số cán bộ của Bộ Tư lệnh Công binh và Tiểu đoàn 144 - Bộ Tổng tham mưu đã lên Đá Chông để khảo sát, thiết kế, cải tạo lại công trình và nhận bàn giao toàn bộ khu vực do Đoàn Tân Trào (Công an nhân dân vũ trang) và Văn phòng Trung ương giao lại.
Trong điều kiện thi công khó khăn, phải bảo đảm bí mật, thời gian gấp, với quyết tâm cao Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 259, Bộ Tư lệnh Công binh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sau hơn 3 tháng thi công, ngày 15 tháng 12 năm 1969, công trình phục vụ nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác gồm có phòng giữ gìn thi hài, hầm ngầm đã hoàn thành, mang mật danh K84 (tức công trình 75 ở Hà Nội + K9 ở Đá Chông thành K84).
Trong 6 năm chiến tranh ác liệt và đề phòng thiên tai lũ lụt đe dọa (1969 - 1975), Đoàn 69, đơn vị tiền thân của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện trọn vẹn 6 lần di chuyển thi hài Bác:
Lần thứ nhất: Đêm 23 đến rạng sáng ngày 24 tháng 12 năm 1969, thi hài Bác được chuyển từ công trình 75A ở Thủ đô Hà Nội lên K84 để giữ gìn, đề phòng chiến tranh lan rộng ra miền Bắc.
Lần thứ hai: Đêm ngày 3 tháng 12 năm 1970, thi hài Bác được di chuyển trở về công trình 75A ở Thủ đô Hà Nội để bảo vệ giữ gìn. Vì trước đó, đêm ngày 21 tháng 11 năm 1970 không quân Mỹ đã tổ chức cuộc tập kích vào một địa điểm ở khu vực Sơn Tây, bởi chúng nghi có tù binh Mỹ tại đây. Cuộc tập kích thất bại, nhưng Ban Chỉ đạo đã đề phòng Mỹ có thể mở cuộc tập kích tương tự vào khu vực K84.
Lần thứ ba: Trưa ngày 19 tháng 8 năm 1971, đề phòng lũ lụt lớn xảy ra ở miền Bắc, trực tiếp là Thủ đô Hà Nội, Ban Chỉ đạo đã yêu cầu Đoàn 69 hành quân di chuyển đưa thi hài Bác từ công trình 75A trở lại K84.
Lần thứ tư: Đêm ngày 11 tháng 7 năm 1972 thi hài Bác được di chuyển từ K84 đến Khu căn cứ H21 bằng đường sông trên chiếc xe PAP, đề phòng đế quốc Mỹ sử dụng máy bay B52 đánh phá ác liệt miền Bắc.
Lần thứ năm: Ngày 8 tháng 2 năm 1973 thi hài Bác được di chuyển từ H21 trở lại K84, sau khi Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam được ký kết (27/01/1973).
Lần thứ sáu: Đúng 16 giờ ngày 18 tháng 7 năm 1975 đoàn xe đặc biệt chở thi hài Bác được lệnh xuất phát rời K84 về Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Hà Nội.
Như vậy, trong 6 năm chiến tranh ác liệt, thi hài Bác đã được bảo vệ, giữ gìn chủ yếu tại K84 với tổng thời gian của 3 giai đoạn từ 24/12/1969 - 03/12/1970, 19/8/1971 - 11/7/1972 và từ 8/02/1973 - 18/7/1975 là hơn 4 năm.
PHÁT HUY Ý NGHĨA LỊCH SỬ, VĂN HÓA CỦA KHU DI TÍCH K9
Sau khi đón Bác về Lăng của Người (ngày 18/7/1975), K9 trở thành căn cứ dự phòng phục vụ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo Khu Di tích K9 được Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng giao cho Đội 285 (tiền thân của Đoàn 285 hiện nay).
Đầu năm 1995, thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đỗ Mười, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII); sau khi báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức đón tiếp các cơ quan, đơn vị, đoàn thể địa phương vào tham quan Khu Di tích K9, góp phần tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những công việc thầm lặng của Bội đội Bảo vệ Lăng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt.
Trong 20 năm qua (1995 - 2015), Khu Di tích K9 đã đón tiếp hơn 30 ngàn đoàn khách, với hơn 1 triệu lượt người, gồm: Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương, các địa phương và nhiều đoàn đại biểu của các cơ quan, đơn vị, nhà trường đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan khu vực, trồng cây lưu niệm, tổ chức lễ báo công, lễ kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, sinh hoạt truyền thống.
Để phục vụ công tác bảo quản, tôn tạo Khu Di tích K9, nhiều tập thể, cá nhân đã tham gia đóng góp ý kiến, trao tặng hiện vật, cây trồng và phối hợp cùng với đơn vị hàng năm tổ chức "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác" tạo cảnh quan, môi trường Khu Di tích K9 ngày càng xanh - sạch - đẹp.
Đề án “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới” được Bộ Chính trị thông qua trong Kết luận số 328 ngày 19/4/2010. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng Quyết định số 2341/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 và Thường vụ Quân ủy Trung ương ban hành Nghị quyết số 122 ngày 08/3/2012 về “Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”.
Thực hiện Thông báo Kết luận số 328 của Bộ Chính trị về mở rộng tham quan Khu Di tích K9 cho nhân dân và khách quốc tế, để “góp phần giáo dục truyền thống”, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức xây dựng quy trình tham quan, xây dựng, cải tạo mở rộng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Và đặc biệt là báo cáo và được Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý cho xây dựng tại Khu Di tích K9 “Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Ngày 19/7/2013, Văn phòng Trung ương đã có thông báo Kết luận của Ban Bí thư về xây dựng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích K9 và chỉ đạo đơn vị cần tham khảo ý kiến các chuyên gia, các cơ quan chức năng của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về phương án quy hoạch, kiến trúc.